Chương trình giảng dạy tại Achi Home được thông qua phương pháp Montessori giúp trẻ đạt được tiềm năng của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Phương pháp Montessori tập trung vào những thao tác “cụ thể”- đó là việc thực hành giúp trẻ nhớ bài học và cảm thấy tự tin với giáo cụ. Đối chiếu câu cách ngôn của người Trung Hoa “Tôi nghe và tôi quên. Tôi thấy và tôi nhớ. Tôi làm và tôi hiểu” với phương pháp Montessori là một ví dụ phản ánh chính xác thực tế giáo dục đầy sinh động.
Mỗi giáo cụ trong lớp học Montessori nhấn mạnh một phẩm chất mà trẻ sẽ được khám phá. Hoạt động Montessori mang đến cho trẻ cơ hội tìm hiểu sâu hơn và nhớ bài học một cách dễ dàng. Điều kiện này giúp trẻ lưu giữ các kiến thức bền vững, lâu dài. Sự phát triển giác quan thông qua giáo cụ để các khái niệm của trẻ được phân định rõ ràng và từ đó giúp trẻ xây dựng nền tảng cho sự phát triển trí tuệ. Chính vì vậy, tại Achi Home Montessori cung cấp cho trẻ môi trường luôn luôn mở làm phong phú thêm kinh nghiệm học tập với các giáo cụ Motessori được thiết kế đặc biệt cho 5 lĩnh vực sau:
1 Thực hành cuộc sống
Là những bài học cuộc sống hàng ngày liên quan đến chăm sóc bản thân và môi trường, các khuôn phép giao tiếp lịch sự, nhã nhặn, văn hóa. Rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như: tự rửa tay; mặc và cởi quần áo; gấp quần áo; thắt dây giầy; tự chuẩn bị đồ ăn uống đơn giản ;sử dụng dao, dĩa, kim khâu an toàn; quét nhà; chăm sóc cây cối; chăm sóc con vật nuôi… Các kỹ năng này giúp trẻ phát triển sự tập trung, sự độc lập và tự tin, ý thức tự giác ,tính kiên trì, làm việc có trình tự và có mục đích, phát triển vận động phức tạp đòi hỏi khả năng quan sát kết hợp với sự khéo léo, biết yêu thiên nhiên, biết chia sẻ, phát triển giao tiếp xã hội của trẻ.
Maria Montessori khẳng định:” Điều thiết yếu đầu tiên cho sự phát triển của trẻ là tập trung suy nghĩ. Đứa trẻ biết tập trung suy nghĩ rất hạnh phúc“. Lĩnh vực thực hành cuộc sống là nền tảng của tất cả các lĩnh vực khác của lớp học.
2. Giác quan
Chương trình dạy cảm giác đặc biệt trong lớp học Montessori bắt nguồn từ lý thuyết giáo dục rằng năm giác quan đóng một vai trò cơ bản trong quá trình học tập và tổ chức thông tin nhận được. Bằng việc chơi và học với các giáo cụ cảm quan trong bộ thiết bị Montessori, các giác quan của trẻ sẽ được phát triển tối đa các tiềm năng. Trẻ sẽ nắm được phương pháp phân loại từ mọi thứ xung quanh chúng, và từ đó sẽ hình thành kinh nghiệm sống của riêng mình. Việc biết phân loại vật thể là bước đầu tiên trong sự hình thành trí thông minh của trẻ. Khi đó trẻ có thể thích ứng với mọi tình huống, đưa ra quyết định tốt hơn và học hỏi nhanh hơn, và càng ngày càng thích nghi với môi trường sống.
Các hoạt động này gồm 5 phần: Thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác. Thông qua việc học như vậy các nhóm môn học như vậy, trẻ sẽ hiểu và cảm nhận được các tính chất vật lý, thuộc tính của vật thể chẳng hạn như: kích thước, hình dạng, màu sắc, thành phần, kết cấu, âm thanh, sự mềm mại, trọng lượng hay nhiệt độ.
3. Ngôn ngữ
Lĩnh vực này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của trẻ khi trẻ thể hiện bản thân và truyền đạt cảm xúc của mình. Trong đó, thông qua những hoạt động khác nhau như: nghe kể chuyện; đọc sách, hát, chơi các trò chơi, phân loại thẻ, chữ cái giấy nhám, câu đố từ ngữ âm…, để trẻ biết phân biệt âm thanh, nhận dạng ký tự và phát triển ngôn ngữ. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của vốn từ vựng, hiểu về trật tự câu và sử dụng từ vựng một cách trôi chảy, tiếp tục trẻ sẽ biết đọc, biết viết và truyền đạt được những suy nghĩ của mình.
4. Toán
Trong quá trình giải thích sự phát triển về tư duy toán học của trẻ, Montessori có viết “Quá trình dùng tay để di chuyển đồ vật và rèn luyện các giác quan, chính là lúc trẻ chuẩn bị cho tư duy toán học“. Nên tất cả các hoạt động toán học được thiết kế nhằm phát triển trí tuệ của trẻ. Trẻ hiểu bản chất toán học thông qua giáo cụ trực quan cho từng bài học, cụ thể như: học lượng với gậy số và chuỗi cườm; số cát; sự kết hợp giữa lượng và số; số chẵn- số lẻ; các trò chơi toán học; phân số; phần trăm; các phép tính cộng-trừ-nhân-chia.
5. Văn hóa
Môn văn hóa hoặc giáo dục tổng quan trong phương pháp Montessori bao gồm: địa lý, lịch sử, khoa học, thực vật học, động vật học. Trẻ sẽ nắm bắt được từ những kiến thức đơn giản như: dụng cụ đo thời gian; độ dài thời gian; hiện tại-quá khứ – tương lại; lịch; các mùa trong năm; thời tiết; quả địa cầu; các châu lục; quốc gia; thành phố; cờ; hệ mặt trời; cấu tạo và phân loại động vật; thực vật; cơ thể con người; âm nhạc và các loại hình âm nhạc chuyển động; các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới… Tất cả các lĩnh vực này gắn bó chặt chẽ với nhau theo cách bổ sung hỗ trợ cho nhau. Trẻ sẽ thích thú tiếp thu hành trang văn hóa mà con đường giáo dục đã được chuẩn bị.
Trên chặng đường trẻ sẽ bắt gặp một loạt các công việc thú vị đã được phân loại cẩn thận đang chờ đợi trẻ, được tạo ra để trẻ đi qua từ nơi này đến nơi khác, trẻ sẽ vỡ vạc, sáng tỏ dần lên trong hiểu biết về môn học đặc thù này. Lĩnh vực giáo dục này nhằm nhấn mạnh triết lý Montessori về tầm quan trọng của việc đặt mình vào mối quan hệ với thế giới.